Mâm ngũ quả là gì? Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết

0

Mâm ngũ quả là thứ không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt. Dù bận rộn đến đâu và thậm chí là những người con xa quê hương.

Cứ đến ngày cuối cùng trong năm, mọi gia đình người Việt đều dành thời gian ra chuẩn bị và bày trí đĩa mâm quả của gia đình mình. Vậy mâm ngũ quả là gì? Ý nghĩa của mâm ngũ quả trong ngày Tết.

Mâm ngũ quả là gì?

Hằng năm, cứ dịp Tết đến, công việc thường thấy của mỗi gia đình là chuẩn bị mâm ngũ quả dành để bày trí trên bàn thờ tổ tiên và nguyện cầu nhiều điều tốt đẹp cho một năm mới lại đến.

Gồm 5 loại trái cây khác nhau, mỗi loại tượng trưng cho ước nguyện của gia chủ thông qua tên gọi và màu sắc. Tùy vào phong tục, tín ngưỡng và văn hóa mỗi vùng mà mâm quả ngày Tết của 3 miền Bắc – Trung – Nam có những cách bày trí và mang ý nghĩa khác nhau.

Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày tết

Không chỉ đơn giản với tên gọi mâm ngũ quả, ý nghĩa ẩn bên trong được định hình từ rất lâu đời. Và cứ qua mỗi thế hệ, sự đúc kết và truyền tai nhau đã tạo nên một mâm ngũ quả ngày Tết vô cùng đặc biệt đối với mỗi con người phương đông nói chung và Việt Nam nói riêng.

Mâm ngũ quả tượng trưng cho sự nguyện cầu một năm mới tốt đẹp.
Mâm ngũ quả tượng trưng cho sự nguyện cầu một năm mới tốt đẹp.

Nó tượng trưng cho tất cả sự thành kính và nguyện ước về một năm mới tốt đẹp. Cũng như tạ ơn vì những điều đã đạt được trong năm cũ.

Ngũ là gì?

Theo quan niệm nhà Phật, “Ngũ” tượng trưng cho “Ngũ Thiện Căn”, gồm: tín căn (lòng tin), tấn căn (ý chí kiên trì, niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn), huệ căn (sáng suốt).

Còn theo thuyết Ngũ Hành tượng trưng cho Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, 5 yếu tố cấu thành nên vũ trụ.

Ngoài ra, “Ngũ” còn thể hiện mong ước của Người Việt về ngũ phúc lâm môn: Phúc, Quý, Thọ, Khang, Ninh.

Quả trên mâm ngũ quả là gì?

Quả và trái cây nói chung là biểu tượng cho sự sung túc, đầy đủ và dồi dào. Quả thường có hạt và được bao lấy giống như một vũ trụ. Chúng là cội nguồn của sự sinh sôi, phát triển và thể hiện sự khao khát duy trì giống loài của con người.

Chuối xanh: hứng lấy may mắn, bao bọc, chở che, đoàn kết, con cháu sum vầy và quây quần bên nhau. Đây là loại quả chủ lực cho toàn bộ mâm quả cúng Tết.

Bưởi: An khang, thịnh vượng

Phật thủ: bàn tay của Phật che chở cho từng người thân trong gia đình

Đào: sự thăng tiến trong cuộc sống, công việc

Quýt: đồng âm với chữ “cát” trong tiếng Hán có nghĩa là may mắn

Đu đủ chín: màu cam nhẹ, mang ý nghĩa tiền tài và tài lộc

Lựu: nhiều hạt tượng trưng cho con đàn, cháu đống

Dưa hấu: hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn

Màu sắc

Màu sắc của mâm ngũ quả thường tuân theo ngũ hành: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ . Màu đỏ là may mắn, phú quý. Màu vàng là tiền tài…

Tên gọi

Tên gọi cũng là một yếu tố được quan tâm, thường sẽ dựa vào cách gọi đồng âm. Ví dụ: “dừa” hay “dưa” đồng âm với “vừa”, đu đủ là “đủ”, xoài trong tiếng miền nam là “xài” có nghĩa là dùng, mãng cầu là “cầu”, sung là “sung túc”…

Mỗi loại quả mang một ý nghĩa riêng thông qua hình dáng, hương vị, màu sắc và cách gọi tên.

Mâm ngũ quả ở các vùng miền

Đến với mỗi vùng miền, chúng ta sẽ được thấy những đặc trưng của từng vùng được thể hiện trên mâm ngũ quả của họ.

Miền Bắc

Người dân miền Bắc nổi tiếng là khuôn khổ, nguyên tắc với cách suy nghĩ rất tỉ mỉ và chu đáo. Nên mâm ngũ quả cũng được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Đặc biệt, họ rất quan trọng việc chọn đĩa bày trí, phải là đĩa tròn mà không phải bất kì hình thù nào khác, ngụ ý sự tròn đủ và sung túc.

Người miền Bắc bày trí mâm quả theo thuyết Ngũ hành trong văn hóa phương Đông. Thường phổ biến với các loại: Chuối xanh, bưởi, phật thủ, đào, quýt, đu đủ…

Miền Trung

So với hai miền Nam – Bắc, miền Trung không được thiên nhiên ưu đãi nên nơi đây còn nhiều nơi nghèo khó, đất đai thì cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt quanh năm, cây trái và hoa quả không được phong phú. Mâm quả ở nơi đây không cầu kì về hình thức, có gì cúng nấy.

Mặt khác, chịu ảnh hưởng bởi sự giao thoa văn hóa nên mâm ngũ quả được bày biện đủ các loại quả và cây trái hai miền Nam – Bắc.

Miền Nam

Bình dị – dân dã – hóm hình. Đây là những điều có thể hình dung về người dân miền Nam. Vì thế mâm quả của họ cũng đặc biệt như tính cách của con người ở nơi đây.

Miền nam được thiên nhiên ưu đãi nên đa dạng về các loại hoa quả và ngày càng trở nên phong phú. Hiện nay, số lượng trên mâm quả đã vượt hơn con số 5 nhưng cái tên gọi “mâm ngũ quả” vẫn được dùng và dường như đã đi sâu vào tiềm thức mỗi người.

Chuối là một loại quả tạo nên sự khác biệt giữa mâm ngũ quả miền Bắc và Nam
Chuối là một loại quả tạo nên sự khác biệt giữa mâm ngũ quả miền Bắc và Nam

Điểm khác biệt lớn nhất so với miền Bắc là ở cách gọi tên hoa quả. Điển hình là quả “chuối” thường được phát âm là “chúi” thể hiện sự khó khăn phát triển. Nên người miền Nam rất kiêng kỵ chuối.

Mâm quả của người miền Nam thường là:

Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung với cách hiểu “Cầu vừa đủ sung”, “cầu sung vừa đủ xài” .

Có thể thấy mâm ngũ quả truyền thống ngày Tết của người Việt Nam chúng ta là vô cùng đa dạng và phong phú. Dù ở bất kì đâu, bất kì gia đình nào cũng không thể thiếu được đặc trưng truyền thống ngày Tết này.

Xem thêm:

Những câu chúc hay ngày Tết